1. Chè bạch quả hạt sen
Món chè bồi bổ cơ thể thơm ngon đầu tiên phải kể đến trong danh sách này là chè bạch quả hạt sen. Món chè này rất thích hợp với người bị mất ngủ, thường xuyên căng thẳng, lo âu nhờ thành phần flavone glycoside, terpene có trong bạch quả. Ngoài ra, chất kiềm và glucozit thơm của hạt sen cũng có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ an thần, tăng cường chất lượng giấc ngủ.
Nguyên liệu:
- Bạch quả: 300g
- Hạt sen tươi: 300g
- Đường phèn: 500g
Cách làm:
- Bước 1: Bạch quả luộc từ 5-10 phút đến khi chín mềm vớt ra để nguội và ráo nước. Hạt sen tươi bỏ tâm, sau đó cho vào nồi luộc đến khi hạt chín bở.
- Bước 2: Đun sôi 1 lít nước, cho đường phèn vào đảo đều. Khi đường tan hết cho hạt sen và bạch quả đã luộc chín từ trước vào nồi. Đun thêm từ 5-10 phút sau đó tắt bếp.
Lưu ý: Bạn có thể dùng nóng hoặc bảo quản chè trong ngăn mát tủ lạnh vài tiếng trước khi sử dụng.
2. Chè ngân nhĩ, kỷ tử
Chè ngân nhĩ kỷ tử rất thích hợp để bồi bổ sức khỏe cho người đang bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh hoặc đang bị mắc các bệnh tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não…
Thành phần chính của chè là ngân nhĩ – một loại nấm rất giàu Glucuronoxylomannan có tác dụng hạ đường huyết hiệu quả. Không chỉ vậy, ngân nhĩ và kỷ tử còn chứa hàm lượng lớn các khoáng chất và vitamin như Sắt, Kali, Natri, Canxi, Magie, Kẽm, Photpho, vitamin E, A, B1, B2… Vì thế, chè ngân nhĩ kỷ tử rất hiệu quả trong việc bổ sung các dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Nguyên liệu:
- Nấm tuyết: 1 cái
- Kỷ tử: 10g
- Đường phèn: 40g
Cách làm:
- Bước 1: Kỷ tử rửa sạch, ngâm nước ấm. Nấm tuyết ngâm nước lạnh để nấm nở ra, loại bỏ chân nấm.
- Bước 2: Đun nấm tuyết với 1 lít nước sôi trên lửa nhỏ trong 1 tiếng. Sau đó cho đường phèn và kỷ tử vào. Đun đến khi đường tan thì tắt bếp.
Lưu ý:
- Bạn có thể dùng nóng hoặc bảo quản chè trong ngăn mát tủ lạnh vài tiếng trước khi sử dụng.
- Không nên ngâm nấm tuyết vào nước ấm bởi nước ấm sẽ khiến nấm bị nhầy và mất chất dinh dưỡng
3. Chè hạt sen đậu xanh
Đậu xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa, trong đó có vitexin và isovitexin rất hiệu quả trong việc giảm tổn thương do sốc nhiệt, giải nhiệt hữu hiệu cho mùa hè. Hàm lượng chất xơ và protein cao trong đậu xanh còn giúp củng cố hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thụ của cơ thể. Trong khi đó, chất kiềm và glucozit thơm có trong hạt sen còn giúp an thần, hỗ trợ điều trị mất ngủ.
Vì thế, chè hạt sen đậu xanh trở thành công thức bổ sung dinh dưỡng hoàn hảo cho người bị suy nhược, suy nhược thần kinh, mất ngủ, ăn uống khó tiêu được liệt vào hàng ngũ những món chè bồi bổ cơ thể rất tốt.
Nguyên liệu:
- 300g Đậu xanh đã cà vỏ
- 200g Đường phèn
- 100g Hạt sen khô
- 100g Bột sắn dây hoặc bột năng
Cách làm:
- Bước 1: Đậu xanh rửa sạch, ngâm khoảng 1- 2 tiếng với nước ấm. Hạt sen khô ngâm nước ấm 30 phút.
- Bước 2: Cho đậu xanh và hạt sen đã sơ chế vào nồi nước ninh với lửa nhỏ. Thường xuyên khuấy đều hạt sen và đậu chín đều, mềm.
- Bước 3: Hòa tan bột sắn vào nước lạnh. Ninh đậu xanh và hạt sen khoảng 45 phút, đến khi hạt sen nhừ thì cho hỗn hợp bột sắn và đường. Đảo đều đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Lưu ý:
- Bạn có thể sử dụng hạt sen tươi để thay thế hạt sen khô. Tuy nhiên cần lưu ý tách bỏ tâm sen để tránh làm chè bị đắng.
- Chè đậu xanh hạt sen có thể ăn khi còn ấm hoặc ăn nguội đều ngon. Nếu bảo quản trong tủ lạnh, chè có thể để được 2 – 3 ngày.
4. Chè nấm tuyết
Món chè này có thành phần chính là nấm tuyết và kỷ tử. Đây là hai loại thực phẩm rất giàu vitamin A, B, C, D và các loại acid amin cũng như một số khoáng chất như canxi, sắt, photpho, caroten… Các chất này không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm mỡ máu, giảm tình trạng thiếu máu mà còn rất tốt cho mắt, gan…
Đặc biệt, thành phần albumin, muối vô cơ, sinh tố B có trong nấm tuyết còn rất hiệu quả trong việc hạ đường huyết, tăng sức đề kháng của cơ thể…
Vì thế, chè nấm tuyết rất phù hợp với những người mới ốm dậy, bị thiếu máu, sức đề kháng kém, hoặc đang mắc 1 số bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, nóng trong người…
Nguyên liệu:
- 1 cái nấm tuyết
- 10g hạt kỷ tử
- 1/2 quả dứa
- 30g đường phèn
Cách làm:
- Bước 1: Kỷ tử rửa sạch, ngâm nước ấm. Nấm tuyết ngâm nước lạnh để nấm nở ra, loại bỏ chân nấm, dứa thái miếng vừa ăn.
- Bước 2: Đun nấm tuyết với 1 lít nước sôi trên lửa nhỏ trong 1 tiếng. Sau đó cho thêm dứa, ninh thêm 10 phút rồi cho đường phèn và kỷ tử vào. Đun đến khi đường tan thì tắt bếp.
Lưu ý:
- Không nên ngâm nấm tuyết vào nước ấm bởi nước ấm sẽ khiến nấm bị nhầy và mất chất dinh dưỡng
- Chè nấm tuyết sẽ ngon hơn khi ăn lạnh. Nên sử dụng chè luôn trong ngày, hạn chế để qua đêm.
5. Chè chuối
Đối với những người bị thiếu máu, huyết áp cao, ăn khó tiêu, đầy bụng… thì chè chuối là thực phẩm hay món chè bồi bổ cơ thể rất phù hợp.
Thành phần sắt có trong chuối giúp cải thiện tình trạng cơ thể mệt mỏi đồng thời tăng cường lượng máu trong cơ thể. Ngoài ra, chuối còn chứa lượng lớn chất xơ và Prebiotic giúp tăng cường hoạt động của các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp đại tiện dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, chuối còn là trái cây có hàm lượng kali cao và natri thấp. Vì thế sử dụng chè chuối có thể giúp làm giảm huyết áp và các cơn đau tim hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Chuối tây: 6 quả
- Nước cốt dừa: 400ml
- Bột báng: 150g
- Đường: 80g
- Lạc rang: 100g
- Dừa non bào sợi, 2 lá dứa (lá nếp).
Cách làm:
- Bước 1: Chuối lột vỏ, thái miếng vừa ăn sau đó đem trộn đều cùng 30g đường.
- Bước 2: Cho lá dứa vào 1 lít nước và đun. Sau khi nước sôi cho bột báng vào nấu thêm 5 phút, rồi tắt bếp. Đợi khoảng 10 phút cho bột lắng rồi gạn bỏ nước đục.
- Bước 3: Cho 600ml nước lạnh vào bột báng và nấu dưới lửa. Khi bột chuyển sang màu trong thì cho 200ml nước cốt dừa và đường vào nấu thêm 5 phút. Sau đó, cho chuối đã trộn đường vào, nấu thêm 5 phút rồi cho nốt lượng nước cốt dừa còn dư vào và tắt bếp.
Lưu ý: Chè chuối ngon hơn khi sử dụng lạnh. Bạn có thể bảo quản ngăn mát trong tủ lạnh hoặc ăn kèm đá.
Bên cạnh đó các loại hoa quả bồi bổ cơ thể cũng hỗ trợ tăng cường sức khỏe hiệu quả được chuyên gia khuyên dùng.
6. Chè đậu đỏ
Chè đậu đỏ là món chè bồi bổ cơ thể lý tưởng cho những người đang bị mắc các bệnh về gan, thận, hoặc phụ nữ bị đau bụng khi đến ngày.
Chè đậu đỏ chứa nhiều chất xơ và các chống oxy hóa mạnh giúp ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do, thải độc cho cơ thể, hỗ trợ điều trị xơ gan, suy thận hiệu quả. Hàm lượng lớn của các vi chất như sắt, mangan, phốt pho trong đậu đỏ cũng giúp giảm thiểu triệu chứng đau bụng kinh, hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Đậu đỏ: 300g
- Đường phèn: 100g
- Đường hoa mai: 200g
Cách làm:
- Bước 1: Đậu đỏ làm sạch, loại bỏ hạt lép.
- Bước 2: Cho đậu vào 2 lít nước nấu nồi áp suất 10 phút, đến khi đậu chín bở. Sau đó cho đường phèn, đường hoa mai vào tiếp tục nấu đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Lưu ý:
- Chè đậu đỏ có thể dùng cả khi nóng và lạnh đều ngon. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt nên sử dụng chè khi còn nóng để đảm bảo hiệu quả.
- Nếu không có nồi áp suất, bạn có thể ngâm đậu từ 6-8 tiếng để đậu nở. Sau đó chế biến như bình thường.
7. Chè đỗ đen
Đỗ đen không chỉ có hàm lượng natri thấp mà còn giàu canxi, magie, kali, folate, quercetin và saponin. Đây đều là các chất hỗ trợ hiệu quả trong việc làm giảm huyết áp, bảo vệ mạch máu, phòng tránh các bệnh tim mạch. Ngoài ra, đỗ đen còn chứa hàm lượng chất xơ rất cao, giúp kích thích hoạt động của các vi khuẩn đường ruột có lợi và thúc đẩy tiêu hóa.
Vì thế, những người đang bị cao huyết áp, bị bệnh về hệ tiêu hóa, hệ tim mạch nên sử dụng chè đỗ đen để cải thiện tình trạng bệnh.
Nguyên liệu:
- Đỗ đen: 300g
- Đường: 80g
- Muối: 1/2 thìa cà phê
- Nước cốt dừa: 200ml
- Bột năng: 1 thìa cà phê
Cách làm:
- Bước 1: Đỗ đen làm sạch, loại bỏ các hạt sâu, lép. Ngâm đỗ qua đêm từ 6-8 tiếng để đỗ nở.
- Bước 2: Vớt đỗ để ráo nước, sau đó đổ nước lạnh ngập mặt đỗ, đun vừa lửa đến khi đỗ chín bở thì cho đường vào và tiếp tục đun khoảng 5 phút để đỗ ngấm đường.
- Bước 3: Trộn nước cốt dừa, muối và bột năng vào bát riêng. Sau đó đổ hỗn hợp trên vào nồi đỗ. Đun nhỏ lửa đến khi nước đặc lại thì tắt bếp.
Lưu ý: Chè đỗ ăn nóng hoặc lạnh đều ngon. Nếu bảo quản trong tủ lạnh, chè có thể để được từ 2- 3 ngày.
Có thể bạn quan tâm:
Món ăn dinh dưỡng phục hồi sức khỏe |
8. Chè khoai sọ
Một trong những món chè bồi bổ cơ thể, chè khoai sọ là một món ăn bổ dưỡng thích hợp với người đang bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, táo bón hoặc viêm thận. Hàm lượng cao vitamin C, vitamin B6, các khoáng chất và các chất chống oxy hóa trong khoai rất hữu ích trong việc cải thiện hệ thống miễn dịch, nuôi dưỡng tế bào thần kinh và chống suy nhược cơ thể. Ngoài ra khoai sọ còn có lượng chất xơ và carbohydrate phức hợp dồi dào hỗ trợ làm chậm quá trình tiêu hóa, phòng chữa táo bón hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Khoai sọ: 400g
- Bột báng khô: 20g
- Đường cát: 250g
- Nước cốt dừa: 200ml
Cách làm:
- Bước 1: Khoai rửa sạch. Sau đó sử dụng găng tay để gọt vỏ khoai và cắt miếng vừa ăn.
- Bước 2: Cho khoai và đường vào 500ml nước rồi đun với lửa vừa trong vòng 20 phút đến khi khoai chín. Thường xuyên đảo đều để khoai không bị cháy.
- Bước 3: Bột báng ngâm nước cho mềm. Sau đó cho cả bột báng đã ngâm và nước cốt dừa vào nồi chè, đun lại đến khi sôi rồi tắt bếp.
Lưu ý: Khi làm khoai, nên loại bỏ các phần hỏng, mầm để tránh gây ngộ độc.
9. Chè sâm
Chè sâm không chỉ món chè giải nhiệt hoàn hảo vào mùa hè mà còn là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng lý tưởng cho người mới ốm dậy, bị suy nhược cơ thể, ăn không ngon, khó tiêu.
Trong chè có các thành phần chính là hạt sen, long nhãn, táo đỏ, nho khô. Đây đều là các thực phẩm giàu các dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, chất xơ và các chất chống oxy hóa tự nhiên. Các chất này không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa một cách hiệu quả, giảm thiểu các chứng đầy bụng, táo bón…
Nguyên liệu:
- Hạt sen khô: 100g.
- Long nhãn: 50g
- Nho khô: 100g
- Táo đỏ: 100g
- Bột rau câu: 1 thìa cà phê
- Đường: 200g
Cách làm:
- Bước 1: Long nhãn ngâm nước nóng cho nở. Nho khô, hạt sen và táo đỏ, rửa sơ cho sạch bụi, cát. Hạt sen nấu cho chín tới, sau đó vớt ra rổ để ráo.
- Bước 2: Hòa bột rau câu vào 200ml nước, sau đó đun sôi rồi đổ ra tô. Đợi nguội để tạo thạch
- Bước 3: Thắng 100g đường tạo caramen. Sau đó thêm 400ml nước vào và nêm đường cho vừa miệng và tiếp tục đến khi nước sôi thì cho hạt sen, long nhãn, táo. Đun đến khi hạt sen mềm thì tắt bếp.
- Bước 4: Thạch xắt miếng vừa ăn và cho vào ăn chung với chè.